Đâu là chìa khóa cho làn da khỏe đẹp?
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn hiểu rằng chìa khóa cho làn da khỏe đẹp nằm ở vấn đề thời gian?
Chắc hẳn bạn đã quen thuộc với câu nói “giấc ngủ đáng giá ngàn vàng”. Vậy, đã bao giờ bạn nghĩ câu nói ấy ám chỉ về điều gì chưa? Giấc ngủ có nghĩa là nghỉ ngơi, nhưng không phải đối với làn da. Tương tự như bộ não luôn bận rộn lưu trữ thông tin mới và loại bỏ chất độc, làn da vẫn làm việc chăm chỉ suốt đêm. Là cơ quan lớn nhất trong cơ thể, làn da dành cả ngày để tự vệ trước các tác nhân bên ngoài như nắng, gió, nhiệt độ và ô nhiễm. Tuy nhiên, vào ban đêm, da sẽ chuyển sang chế độ tái tạo. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể tăng cường quá trình tái tạo tự nhiên bằng cách đồng bộ hóa với nhịp sinh học của làn da và cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết? Đây chính là những gì giải pháp chăm sóc da theo nhịp sinh học mang lại.
ÁNH SÁNG VÀ NHỊP SINH HỌC
Nhịp sinh học của con người luôn được đồng bộ hóa bởi các yếu tố có thể điều chỉnh bên ngoài như nhiệt độ hoặc thực phẩm nạp vào cơ thể, nhưng trên hết là ánh sáng. Võng mạc cảm nhận ánh sáng và gửi tín hiệu đến não, nơi đồng hồ nội sinh sẽ đồng bộ hóa các chức năng trao đổi chất của các mô khác nhau dựa trên thời gian trong ngày. Điều này là yếu tố quan trọng đến mức ngay cả những người khiếm thị (không nhận thức được ánh sáng) vẫn có xu hướng bị rối loạn nhịp sinh học và gặp vấn đề về giấc ngủ. Nếu chúng ta sinh hoạt không theo nhịp sinh học tự nhiên, chẳng hạn như ăn khuya hoặc thay đổi giờ giấc ngủ, nguy cơ mắc bệnh tim mạch, béo phì và tiểu đường loại 2 sẽ tăng lên, đồng thời ảnh hưởng xấu đến làn da.
THEO ĐÚNG LỊCH TRÌNH
Theo Tiến sĩ Satchin Panda – chuyên gia về chu kỳ sinh học tại Viện nghiên cứu Sinh học Salk và tác giả của cuốn Mật mã sinh học (2018), thuật ngữ “circadian” xuất phát từ tiếng Latin “circa” (xung quanh) và “diem” (ngày). Định nghĩa này đề cập đến những quá trình sinh học xảy ra trong cơ thể trong khoảng thời gian 24 giờ. Những quá trình này bao gồm: sự thay đổi giữa thức/ngủ, sản xuất hormone, biến động nhiệt độ cơ thể, tuần hoàn máu, chuyển hóa tế bào và chức năng nhận thức (ví dụ, tốc độ phản ứng của chúng ta đạt đỉnh vào khoảng 3 giờ 30 phút chiều). Khái niệm này đã trở nên phổ biến hơn sau khi Giải Nobel Y học năm 2017 vinh danh 3 nhà khoa học Mỹ vì những phát hiện về cơ chế phân tử điều chỉnh chu kỳ sinh học, thúc đẩy phát triển cho nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Tiến sĩ Satchin Panda cho biết: “20 năm trước, người ta tin rằng tất cả chức năng này đều được kiểm soát bởi cơ chế “đồng hồ chủ” nằm ở vùng hạ đồi (trung tâm não). Tuy nhiên, nghiên cứu đã chứng minh mỗi tế bào của cơ thể đều chứa một chiếc đồng hồ được lập trình để kích hoạt hoặc vô hiệu hóa hàng nghìn gen vào các thời điểm khác nhau suốt ngày và đêm”. Gần như tất cả các chức năng của cơ thể đều tuân theo nhịp sinh học và làn da cũng không là ngoại lệ. Da trải qua các giai đoạn khác nhau trong 24 giờ và phải đối phó với các rối loạn tiềm ẩn do lối sống hiện đại gây ra.
THỜI GIAN TỪ CHẠNG VẠNG ĐẾN RẠNG ĐÔNG
Từ 8 giờ tối đến 7 giờ sáng, làn da bắt đầu bị mất nước nhanh hơn, do đó cần tăng cường hydrat hóa da vào ban đêm và giảm tiết bã nhờn giúp lớp màng bảo vệ da dễ thẩm thấu hơn. Điều này có nghĩa là da dễ tiếp nhận các thành phần dưỡng da mà chúng ta sử dụng đều đặn lúc trước khi đi ngủ. Caroline Bertrand, Trưởng bộ phận Tài nguyên và Truyền thông Khoa học tại Sisley giải thích: “Khi đêm xuống, các gen đồng hồ bên trong tế bào da bắt đầu kích hoạt hàng loạt cơ chế sửa chữa và tái tạo”. Từ 8 giờ tối đến nửa đêm, cơ chế giải độc của da đạt đỉnh để làm sạch tế bào và mô. Từ nửa đêm đến 3 giờ sáng (thời điểm “vàng”), quá trình phân chia tế bào diễn ra, bao gồm việc tổng hợp collagen, a-xít hyaluronic và elastin. Cuối cùng, từ 11 giờ tối đến 4 giờ sáng, lưu lượng máu của da đạt đến mức tối đa, góp phần vào việc vận chuyển dinh dưỡng và loại bỏ độc tố.
VẬN ĐỘNG KHÔNG BAO GIỜ LÀ THỪA
Melatonin là loại hormone chịu trách nhiệm khởi động tất cả các cơ chế tái tạo này. Loại hormone này do não sản xuất để đáp ứng với bóng tối (do đó có tên là “hormone bóng tối”) gửi tín hiệu đến các thụ thể trên da giúp đồng bộ hóa chu kỳ sinh học và ngăn chặn các gốc tự do. Tuy nhiên, lối sống không cân bằng có thể làm suy giảm hormone này, gây ảnh hưởng đến quá trình tái tạo da. Đáng chú ý là serotonin, được tiết ra khi chúng ta tham gia vào hoạt động thể chất, là tiền thân của melatonin. “Do đó, thực tế là chúng ta ngủ ngon hơn khi tập thể dục”, Caroline Bertrand cho biết “và làn da cũng được hưởng lợi từ điều này”.
GIAI ĐOẠN PHỤC HỒI
Da được lập trình để tự phục hồi vào ban đêm, nhưng lối sống hiện đại đang làm mất đi nhịp điệu tự nhiên của nó. “Ngày dài và đêm ngắn hơn khiến chất lượng giấc ngủ kém hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng tái tạo và phục hồi của da một cách tối ưu”, Armelle Souraud, Giám đốc Truyền thông Khoa học tại Chanel chia sẻ. Vậy giải pháp là gì? Phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái đồng bộ làn da với đồng hồ sinh học của da, đồng thời khởi động lại các chu trình tái tạo và sửa chữa quan trọng cho làn da khỏe mạnh.
TỐI ƯU HÓA NHỊP SINH HỌC
- - Ăn trong khoảng từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, hạn chế ăn tối và ăn vặt.
- - Trước khi đi ngủ, không nên sử dụng điện thoại thông minh vì ánh sáng xanh có thể hạn chế hiệu quả sản sinh melatonin. Thay vào đó, hãy đọc sách giấy để duy trì sản sinh hormone tự nhiên.
- - Duy trì chế độ ngủ đều đặn trong tuần để hạn chế nguy cơ “jet-lag xã hội”. Thời gian ngủ lý tưởng nhất là từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm.
- - Cân nhắc thích ứng lối sống với chu kỳ ánh sáng của từng mùa để tối ưu hóa sức khỏe.