NHỮNG LẦM TƯỞNG VỀ “CLEAN BEAUTY”

25/11/2024 08:29 - Nhung | 0 bình luận

Nếu “eat clean" là từ khoá nổi đình nổi đám đối với những người theo đuổi chế độ ăn uống lành mạnh thì cộng đồng làm đẹp cũng dần làm quen với xu hướng “Clean Beauty". Tuy nhiên, đừng vội “bắt trend" nếu bạn chưa hiểu rõ về khái niệm này!

“CLEAN BEAUTY LÀ GÌ?”

 

“Clean” là sạch và “Beauty” là làm đẹp. Như vậy, nói nôm na Clean Beauty chính là làm đẹp thông qua các sản phẩm “sạch”. Và “sạch” ở đây được hiểu theo nghĩa là sản phẩm đó:

  • -  Không chứa các thành phần độc hại (cho dù thành phần đó đã được khoa học chứng minh là độc hại hay vẫn còn đang tranh cãi), chất gây ung thư, kích ứng và rối loạn nội tiết.
  • -  Có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh, chất lượng.
  • -  Không có tác động xấu đến môi trường.

Tin vui là “Clean Beauty” đang dần được thần dân skincare chấp nhận và hưởng ứng nhiệt tình. Thế nhưng, điều đáng buồn là trào lưu làm đẹp này vẫn còn tồn đọng nhiều sự phức tạp và khó hiểu. Thậm chí, ngay cả khi hiểu định nghĩa về “Clean Beauty” thì vẫn còn đang ty tỷ các rắc rối phát sinh. Một số người nhầm tưởng thuật ngữ này với Organic beauty, Green Beauty, Sustainable Beauty. Số khác có những hiểu lầm bởi chưa hiểu đủ sâu về bản chất của Clean Beauty hoặc chẳng may bị “lạc" giữa những luồng thông tin sai lệch.

CLEAN BEAUTY VÀ NHỮNG HIỂU LẦM CẦN “CLEAN” THẬT “CLEAR”

 

clean-beauty-3.jpeg

 

Nếu sự tò mò về Clean Beauty đã đưa bạn đến bài viết này, vậy thì tìm đúng chỗ rồi đấy! 3x5 mong rằng những kiến thức dưới đây sẽ giúp bạn có thêm nhiều góc nhìn hay ho đồng thời giúp bạn có thể theo đuổi xu hướng làm đẹp này một cách hiệu quả hơn.

SAI LẦM 1: THÀNH PHẦN TỰ NHIÊN ƯU VIỆT HƠN SO VỚI CÁC THÀNH PHẦN TỔNG HỢP

 

Trước tiên, khi nghĩ đến mỹ phẩm “clean", mọi người thường nhắc đến thành phần tự nhiên. Song, tư duy về thành phần tự nhiên sẽ tốt hơn các thành phần tổng hợp là một điều hoàn toàn sai lầm. Thực tế cho thấy, nguồn gốc tự nhiên của một thành phần không đồng nghĩa với việc chúng sẽ hoàn toàn an toàn và phù hợp cho tất cả mọi người. Ví dụ điển hình chính là trường hợp của botulinum, một loại độc tố có nguồn gốc từ tự nhiên nhưng lại nằm trong danh sách độc tố nguy hiểm nhất trên hành tinh.

Thậm chí, sự bất thường của thời tiết và các yếu tố khác tác động có thể khiến cho hoạt chất tự nhiên bị thay đổi, từ đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm skincare. Do đó, thật không ngoa khi nói rằng thành phần tổng hợp đôi khi lại có mức độ tinh khiết, tính nhất quán và an toàn cao hơn so với thành phần tự nhiên.

Nhưng! Nhưng! Nhưng cũng đừng vội kết luận là thành phần tự nhiên là không tốt. Bởi theo bác sĩ da liễu Ranella Hirsch thì trà xanh, lô hội hay nghệ đều mang đến những “điều tuyệt vời cho da" nếu như bạn sử dụng đúng công thức và liều lượng cho phép.

 

SAI LẦM 2: CỨ SẢN PHẨM SẠCH LÀ “AUTO” DỊU NHẸ

 

clean-beauty.png

 

“Sạch” và “dịu nhẹ” là hai khái niệm khác nhau, bạn ạ. 3x5 đã nghe rất nhiều ý kiến cho rằng sản phẩm sạch sẽ dịu nhẹ và an toàn hơn cho da nhạy cảm. Điều đó là không đúng!

Theo một số chuyên gia, các thành phần tưởng chừng là an toàn như chiết xuất từ cam quýt, tinh dầu hay những hương thơm tự nhiên đều có thể gây dị ứng trên da nếu dùng không hợp. Trong khi đó, vẫn có nhiều thành phần tổng hợp được chứng minh là không gây dị ứng và hoàn toàn phù hợp ngay cả với các chị em sở hữu làn da nhạy cảm.

Thậm chí, xét về mặt khoa học, nếu thành phần tổng hợp có khả năng gây kích ứng, nhưng những chuyên gia hàng đầu vẫn sẽ có khả năng loại bỏ các hoạt chất gây hại ngay trong phòng thí nghiệm. Mà điều đó thì khó xảy ra với các sản phẩm mang tính tự nhiên.

Do vậy, nếu chị em có làn da nhạy cảm hoặc đang có nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm dịu nhẹ thì hãy lựa chọn và nghiên cứu kỹ thành phần. 3x5 khuyên bạn nên cân nhắc yếu phù hợp với làn da bản thân thay vì chỉ chọn sản phẩm gắn mác sạch hay dịu nhẹ.

 

SAI LẦM 3: MỸ PHẨM SẠCH VÀ TỰ NHIÊN LUÔN THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG HƠN

 

Đứng trên góc nhìn khách quan, các loại “mỹ phẩm sạch” đang có những bước đột phá mới để thân thiện hơn với môi trường. Chẳng hạn như áp dụng các phương pháp sản xuất ít chất thải hơn, đóng gói tối giản hơn,...

Nhưng tính bền vững của những sản phẩm trên lại là một thách thức lớn khi vẫn chưa có một chuyên gia hay nhà nghiên cứu nào có thể dự đoán chính xác điều này. Bởi quá trình sản xuất “mỹ phẩm sạch” vẫn có những tác động gián tiếp ảnh hưởng không tốt đến môi trường. Dùng đất và các nguyên liệu tự nhiên để chiết xuất và tạo ra mỹ phẩm thì liệu đã thật sự tốt?

 

clean-beauty-1.jpeg

 

Trong khi mỹ phẩm hoàn toàn có thể được tạo ra ngay trong phòng thí nghiệm. Việc này vừa hay sẽ giúp giảm bớt những áp lực đáng kể cho môi trường sống của chúng ta, tại sao không?

SAI LẦM 4. SẢN PHẨM KHÔNG CÓ HOÁ CHẤT, KHÔNG CHẤT BẢO QUẢN, VÀ KHÔNG CÓ ĐỘC TỐ LÚC NÀO CŨNG AN TOÀN HƠN CHO BẠN

 

Mách nhỏ thôi, nhiều thương hiệu luôn tuyên bố rằng sản phẩm của hãng “sạch”, không chất bảo quản, không hóa chất, không độc tố,... đôi khi chỉ là “lừa tình". Bạn có biết rằng, Liên minh Châu Âu đã ban hành Luật cấm các công ty sử dụng các “khẩu hiệu” này trên bao bì của sản phẩm.

Ở Mỹ không có quy định tương tự, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) không có những tuyên bố như trên. Những khẩu hiệu ấy vẫn được ghi chú lên kem dùng cho mặt, son môi. Điều này không chỉ là một thứ hiển nhiên mà còn “vô tình thao túng tâm lý” các tín đồ làm đẹp rằng các sản phẩm không viết những dòng này trên nhãn sẽ nguy hiểm hoặc không tốt cho da bạn.

Một lần nữa, dù bài viết khá dài nhưng Reviewcos vẫn muốn giải thêm “ẩn số” đằng sau những khẩu hiệu mà thần dân skincare đang “mắc bẫy":

  • - KHÔNG CHỨA CHẤT HOÁ HỌC: Nếu định nghĩa hóa chất là bất kỳ những chất nào có chứa hợp chất, vậy thì bất kỳ sản phẩm nào cũng có chứa hoá chất và bạn có “chạy trời cũng không khỏi nắng". Lý do hết sức đơn giản, vì nước lẫn không khí cũng được xếp vào nhóm hóa chất. Hơn nữa, nếu bạn chê các hợp chất hoá học thì câu hỏi “chí mạng” là bạn đang trả tiền cho thứ gì đấy? Là một thứ dung dịch vô thưởng vô phạt ư?
  • - KHÔNG CHỨA CHẤT BẢO QUẢN: Chất bảo quản được dùng để giúp ngăn vi khuẩn có hại và nấm mốc phát triển. Bạn sẽ không cần chúng khi bạn chấp nhận phải đầu tư 1 chiếc tủ lạnh để bảo quản và thay mới sau vài ngày sử dụng.
  • - KHÔNG CHẤT ĐỘC HẠI: "Bất kỳ thành phần nào - thậm chí cả nước - cũng có thể độc tùy thuộc vào liều lượng," theo lời bác sĩ Hirsch. Thậm chí, quả lê tự nhiên và hữu cơ cũng thải ra formaldehyde độc hại, nhưng chúng ta vẫn ăn chúng đấy?! Do đó, độc tính hay không còn phụ thuộc vào liều lượng.

Nói một cách tóm tắt, các tiêu chuẩn của Clean beauty trên thực tế không quá khắt khe. Không bắt buộc 100% là thiên nhiên, không đòi hỏi loại bỏ hoàn toàn hoá chất hay thành phần độc hại,.... Nếu mỹ phẩm có chứa một lượng nhỏ những hoá chất đó và chúng có vai trò nhất định (như tác nhân kết dính, chất làm ổn định hay mùi nhân tạo) với một liều lượng phù hợp thì vẫn được chấp nhận. Và bên cạnh đó, đừng theo đuổi Clean Beauty chỉ vì chạy theo số đông, điều quan trọng nhất là hãy chọn thành phần phù hợp với làn da của bạn!